Website Trường Mầm Non Đại Minh – Đại Lộc – Quảng Nam

SỰ KÌ DIỆU CỦA NAM CHÂM

GIÁO ÁN
Chủ đề nhánh: Động vật sống dưới nước
Hoạt động: Khám phá khoa học
Đề tài: Sự kỳ diệu của nam châm
Lứa tuổi: 5-6 tuổi

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1. Kiến thức:
– Trẻ biết đặc điểm, tính chất của nam châm.
– Trẻ biết được nam châm có 1 đầu cực bắc màu đỏ và 1 đầu cực nam màu xanh
– Nam châm hút các đồ vật làm bằng sắt, nam châm tự hút và đẩy nhau.
2. Kĩ năng:
– Phát triển khả năng quan sát, ghi nhớ và tư duy logic.
– Phát triển khả năng diễn đạt lời nói rõ ràng.
– Phối hợp với các bạn để thực hiện yêu cầu của cô.
3. Giáo dục:
– Hứng thú tích cực hoạt động
– Tôn trọng và giữ gìn sản phẩm của mình và của bạn.
II. CHUẨN BỊ:
– Nhạc ảo thuật, nhạc vui nhộn trò chơi.
– Nam châm, hộp ảo thuật, rối, ghim giấy, chai thủy tinh.
– Bàn tranh cành hoa và hoa rời, cần câu, cá đồ chơi, ô tô, nam châm,
– Slide, một số đồ dùng bằng nhựa, giấy, thủy tinh, sắt…
– Rổ đựng, đường hẹp thi đua.
III. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG:
1. Hoạt động mở đầu:
– Hát bài “Điều kì lạ quanh ta”
2. Hoạt động nhận thức:
* Giới thiệu:
– Cô cho trẻ xem màn ảo thuật: Cá bơi trên cạn và vũ công ba lê.
– Bật mí cho trẻ bí quyết của cô, là dùng sức hút kì diệu của nam châm.
– Cô giới thiệu nam châm
* Cung cấp:
a) Khám phá nam châm hút được gì?
– Cô đố trẻ làm sao có thể lấy ghim giấy ra khỏi cái chai mà không cần chốc cái chai xuống? Trẻ suy nghĩ và trả lời => Cô giảng giải và thực hiện cho trẻ xem.
– Cho trẻ dùng nam châm hút đồ vật quanh lớp: Mỗi trẻ chọn lấy 1 đồ vật nam châm hút được và một đồ vật nam châm không hút được.
– Cô mời trẻ giơ đồ vật mà nam châm hút được.
– Cô hỏi: đồ vật mà nam châm hút được làm bằng chất liệu gì? (Nam châm hút được đồ vật có chất liệu là sắt)
– Cô mời trẻ giơ đồ vật mà nam châm không hút được.
– Tại sao đồ vật này nam châm không hút được? Nó được làm từ chất liệu gì? (Nam châm không hút được các vật có chất liệu là vải, nhựa, giấy, thủy tinh…)
– Cô cho trẻ ngồi 2 nhóm phân loại:
+ Một rổ đựng đồ vật nam châm hút được
+ Một rổ đựng đồ vật nam châm không hút được
– Trẻ thực hiện, cô kiểm tra kết quả.
=> Cô chốt: nam châm hút được đồ vật có chất liệu là sắt hoặc 1 phần là sắt (Cho trẻ nhắc lại)
b) Khám phá 2 cực của nam châm
– Cô cho trẻ vừa hát vừa di chuyển đội hình chọn mỗi bạn 1 nam châm.
– Chơi chuyển tiếp: “kết chùm”
– Cô yêu cầu: hai bạn ngồi cạnh nhau hãy thử đưa 2 đầu có cùng màu của nam châm lại gần nhau xem điều gì xảy ra? Gọi trẻ nhận xét
– Hãy đưa 2 đầu khác màu lại gần nhau nào? Gọi trẻ nhận xét
=> Cô chốt: nam châm có 2 cực: cực bắc và cực nam. Cực bắc có màu đỏ, cực nam có màu xanh. Khi 2 đầu cùng cực của nam châm ở gần nhau thì chúng sẽ đẩy nhau, và 2 đầu khác cực nhau thì chúng sẽ hút nhau.( Cho trẻ nhắc lại)
– Bây giờ cô mời các con cùng hướng lên màn hình để xem đoạn video về nam châm nhé! (trẻ xem video hoạt hình về từ tính của nam châm)
* Mở rộng: cô cho trẻ xem bộ sưu tập nam châm:
+ Nam châm dẻo
+ Nam châm vĩnh cửu
+ Nam châm núm
+ Nam châm tròn
– Lợi ích của nam châm: Nam châm này rất thú vị phải không các con? Không chỉ thế nó còn hữu ích cho cuộc sống của chúng ta, nam châm là một trong những nguyên liệu tạo ra các máy móc, đồ dùng điện tử như máy lạnh, máy quạt, ti vi, tủ lạnh…
c) Trò chơi:
* Trò chơi 1: Nhanh tay nhanh mắt
– Cách chơi: Cô chia lớp thành 2 đội. Lần lượt từng bạn ở mỗi đội đi theo đường hẹp lên chọn đồ vật. Đội số 1 chọn đồ vật nam châm hút được, đội số 2 chọn đồ vật nam châm không hút được mang về bỏ vào rổ của đội mình.
– Luật chơi: sau khi kết thúc đoạn nhạc, đôi nào mang về nhiều đồ vật đúng và nhiều hơn thì đội đó dành chiến thắng.
– Trẻ chơi, cô quan sát động viên trẻ
– Cô cho trẻ kiểm tra kết quả bằng cách dùng nam châm hút đồ vật.
* Trò chơi 2: Trải nghiệm cùng nam châm
– Cô hát bài vè cho trẻ tạo thành 3 nhóm chơi.
– Cô chia trẻ thành 3 nhóm chơi tạo thành 3 vòng tròn
+ Nhóm 1: câu cá – dùng cần câu có gắn nam châm để câu thật nhiều cá.
+ Nhóm 2: thu gom rác – dùng cần câu nam châm hút những chiếc ghim sắt vùi sâu trong nước và cát.
+ Nhóm 3: bông hoa biết bay – dùng nam châm di chuyển các bông hoa bay về cành của nó, nhưng không được đụng tay vào bông hoa.
– Giáo dục: trẻ khi chơi phải biết tôn trọng và giữ gìn sản phẩm và thành quá mình và của bạn làm ra. Tham gia tích cực cùng bạn để hoàn thành thử tách của cô đưa ra cho nhóm chơi.
– Trẻ chơi, cô quan sát và nhắc nhở từng nhóm chơi
– Trẻ chơi xong cô tập trung trẻ và hỏi, củng cố kiến thức.
3. Hoạt động kết thúc:
– Hát và vận động theo bài hát “Khám phá thế giới tuyệt vời”

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.