DẠY TRẺ KỶ NĂNG ĐỐI PHÓ VỚI NGƯỜI LẠ
“Trong thế giới thật – giả, tốt – xấu lẫn lộn thì cách ứng phó lịch sự, an toàn là điều quan trọng cha mẹ phải quan tâm đầu tiên”, tiến sĩ Thu Hương nhấn mạnh. Theo bà, có một số điều sau đây cha mẹ cần phải nhắc nhở con khi giao tiếp với người lạ:
– Không nhận quà bánh: Để đề phòng những món quà, bánh, kẹo đó có tẩm thuốc mê, bé ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng mưu kẻ xấu, cha mẹ nên dạy bé không nhận bất kỳ món đồ nào người lạ cho. Phải từ chối khéo léo rằng “Ba mẹ cháu không cho phép nhận”. Sau đó hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ để tránh bị người kia tiếp tục dụ dỗ. Trong trường hợp người đó cứ bám theo ép bé ăn hay bắt lên xe, phải quẫy đạp và hét thật to để mọi người đến cứu.
– Nếu lạc ở trung tâm mua sắm hay khu vui chơi, sau khi đứng tại chỗ chờ một lúc lâu không thấy bố mẹ, bé hãy đến nói với các chú bảo vệ hoặc cô bán hàng nhờ thông báo lên loa. Hãy ngoan ngoãn đứng đó chờ bố mẹ đến đón.
– Tuyệt đối không đi theo người lạ, kể cả khi họ nói sẽ giúp bé tìm đường về nhà.
– Khi có ai nhận là bạn của bố mẹ đến trường đón bé: Để tránh trường hợp trẻ bị dụ dỗ vì tưởng là người quen, phụ huynh cần dạy con không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và con. Trong trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen, hãy quay vào trường báo cho cô giáo và nhờ gọi điện cho ba mẹ để xác minh.
– Bị lạc: Trong bất kỳ tình huống nào, nguyên tắc đầu tiên cần nhớ là bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy mà đứng yên tại chỗ để chờ bố mẹ sẽ quay lại đón. Nếu bị lạc ở ngoài đường, bé có thể mượn điện thoại của một người đi đường hoặc chú công an để gọi bố mẹ đến đón.
Nhiều cha mẹ bày tỏ lo ngại khi dạy con những nội dung này khiến các bé sẽ sợ hãi, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp thoải mái tự tin của bé. “Làm thế nào để dạy con mà không làm cho con thiếu tự tin khi giao tiếp với người lạ?”, một phụ huynh băn khoăn.
Tiến sĩ Thu Hương gợi ý một phương thức giải quyết đơn giản: Cha mẹ hãy chỉ cho con những ví dụ về người tốt và người xấu quanh cháu (người ở cùng khu vực sống bé đã biết). Người xấu là những người đã có một số hành vi không tốt (trộm cắp, đánh nhau, lừa đảo). Con sẽ hiểu là thế giới gồm có người tốt và người xấu. Chỉ cần né tránh những người không tốt là đủ rồi.
Nếu khó tìm ví dụ, cha mẹ có thể dẫn giải những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn. Từ đó, bé sẽ có thể hiểu được và thực hiện theo lời dặn dò trong những trường hợp ở một mình.
Đặc biệt, để tránh nguy cơ bị xâm hại, cha mẹ cần trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân như:
1. Các bé cần học về những vùng cấm trên cơ thể. Cha mẹ có thể sắm cho con đồ lót vừa người và dặn rằng khu vực cơ thể bên trong đồ lót là “cấm địa”. Tuyệt đối không được cho ai động vào vùng này, trừ một số trường hợp như khi con bị bệnh và cha mẹ đưa con đi bác sĩ khám.
2. Bé cần biết cách ứng xử lịch sự và có khoảng cách với từng nhóm đối tượng. Cha mẹ có thể dạy con quy tắc 3 vòng tròn:
Nguyên tắc 3 vòng tròn giúp trẻ hình dung về việc giữ khoảng cách với từng đối tượng tiếp xúc.
Cụ thể:
– Bên trong vòng màu xanh ở giữa có bố mẹ. Đó là những người chăm sóc dạy dỗ nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể con, trừ khu vực đồ lót.
– Phần giữa vòng màu xanh và vàng là khu vực của người nhà, đó là ông bà, anh, chị, em. Những người đó chỉ được cầm tay con, hạn chế đụng vào vùng khác.
– Giữa vòng vàng và đỏ là người quen (hàng xóm, bạn bố mẹ) con chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu. Tuyệt đối không cho họ động vào các vùng khác của cơ thể. Bên ngoài vòng đỏ là người lạ. Tuyệt đối xua tay nếu họ đến quá gần, hãy chạy trốn nếu cần.
3. Không mở cửa cho khách khi bố mẹ vắng nhà. Hãy lịch sự trả lời khách rồi về phòng riêng.
Nếu đi trên đường có người rủ rê, tuyệt đối không đi theo. Khi họ đi theo con, hãy làm “động tác giả” là chạy đến hỏi đường chú công an. Nếu không có thì chạy lại phía các bà. Cần thiết thì giả vờ đưa bà qua đường. Kẻ gian (nếu có) sẽ nghĩ đó là người thân của con nên bỏ đi.
4. Cách thoát thân khi bị kẻ gian tóm chặt: Hãy hô lớn “cháy nhà” sẽ khiến những người xung quanh (nếu có) lao ra ngoài để xem. Kẻ gian nghe thấy sẽ giật mình sợ hãi nên giật tay ra và chạy. Có thể đạp thật mạnh vào vùng chính giữa bụng của kẻ gian. Đó là khu vực có nhiều dây thần kinh làm họ đau đến choáng váng, như vậy sẽ dễ dàng thoát hơn.
“Dạy con là một quá trình khó khăn và đầy bất ngờ. Trang bị kiến thức cho con để con tự lo lắng cho bản thân mình là phương án tối ưu để tạo sự an toàn cao nhât cho con trẻ”, tiến sĩ Thu Hương đúc kết.