Website Trường Mầm Non Đại Minh – Đại Lộc – Quảng Nam

Giáo án KPKH Sự kì diệu của nước lớp lớn 1( Hà)

GIÁO ÁN

Chủ đề: Thiên Nhiên

Hoạt động: Khám phá khoa học

Đề tài: Sự kỳ diệu của nước

 

 

  1. Mục đích yêu cầu
  2. Kiến thức:

–  Trẻ biết được một số tính chất của nước : không màu, không mùi, không vị, có thể hòa tan một số chất.

– Trẻ biết được nước tồn tại ở nhiều dạng khác nhau: thể rắn, thể lỏng, thể khí

  1. Kỹ năng:

– Trẻ có kĩ năng làm một số thí nghiệm đơn giản về nước.

– Có kĩ năng quan sát, chú ý, ghi nhớ có chủ định.

  1. Giáo dục :

– Giáo dục trẻ cần phải ăn chín uống sôi. Không được uống nước lã sẽ không tốt cho sức khỏe

– Giáo dục trẻ biết tiết kiệm nước.

  1. Chuẩn bị

– Dụng cụ thí nghiệm cho trẻ: ly nhựa, chén nhỏ, thìa, muối, đường, bột

– Đồ dùng thí nghiệm của cô: 3 ly nhựa, 1 ly thuỷ tinh, 3 chén : một chén đường, một chén muối, thìa. Khay nước đá, cốc nước nóng.

– Giáo án điện tử

– Nhạc bài hát: “ Điều kỳ diệu quanh ta”, “Cho tôi đi làm mưa với”

  1. Tiến hành hoạt động:

a.Hoạt động mở đầu:

– Cô và trẻ chơi bong bóng xà phòng

– Các con chơi có thích không nào?

– Vậy để tạo được bong bóng xà phòng thì cô cần có gì nào?

– À đúng rồi, muốn tạo bong bóng xà phòng thì cần phải có nước và xà phòng đấy các con, hôm nay cô và các con sẽ cùng nhau khám phá điều kỳ diệu của  nước,các con có thích không nào?

  1. b) Hoạt động trọng tâm:

* Trải nghiệm :

– Bây giờ cô mời các con hãy tạo thành 3 nhóm.

– Cô giới thiệu có 3 món quà : Món quà thứ nhất: 1 cốc nước, 1 bình 1 phểu, Món quà thứ 2: 2 cốc nước và 1 bát muối, 1 bát đường. Món quà thứ 3: 1 cốc nước, 1 bát bột.

– Xin mời đại diện của 3 nhóm lên nhận món quà sau đó về nhóm của đội mình cùng nhau thảo luận về các thí nghiệm mà các bạn sẽ làm, sau  thời gian 2 phút các con sẽ trình bày những ý kiến chính xác nhất về thí nghiệm của mình đã tiến hành.

+ Các đại diện lên trình bày ý kiến theo gợi ý của cô.

– Để biết được câu trả lời của các nhóm có đúng hay không, cô mời các con lên lấy đồ dùng của mình về làm thí nghiệm nhé.

* Thực hành trải nghiệm

– Thí nghiệm 1 : Cho trẻ nếm, ngửi và uống nước

– Cô đã chuẩn bị cho mỗi bạn 1 ly nước, bây giờ các con về chỗ lấy ly của mình đi nào

– Mỗi trẻ lấy 1 ly nước và đứng thành 1 vòng tròn.

– Trên tay các con đang cầm gì đó nào?(ly nước)

– các con ngửi nước xem nước có mùi gì không?(dạ không)

– Vì sao lại không ngửi thấy gì nhỉ?(vì nước không mùi)

– Thế bây giờ các con uống xem thử nước có vị gì không nào?(không vị)

– Nhìn xem nhìn xem – xem gì xem gì

– Các con nhìn xem trong ly nước có gì nào?

– Thế vì sao con lại nhìn thấy được viên bi nào?

– Đúng rồi đấy các con, vì nước không có màu nên các con dễ dàng nhìn thấy được viên bi đấy.

– Vừa rồi cô và các con đã có vài thử nghiệm tìm hiểu về nước rồi, thế bạn nào nhắc lại nước có những đặc điểm gì nào?

– Cô chốt lại: Nước không có màu, không có mùi và không có vị.

* Thí nghiệm 2 : đổ muối vào cốc nước viền đỏ, đổ đường vào cốc nước viền xanh, bột vào cốc viền vàng.

– Cô mời 1 bạn lên giúp đổ muối vào cốc nước viền đỏ nào

– Các con quan sát và nhận xét gì khi đổ muối vào cốc nước?

– Khi nếm thì các con thấy vị gì ?

– Đúng rồi đấy các con, muối tan trong nước nên khi nếm các con sẽ thấy vị mặn của muối.

– Các con vừa trải nghiệm pha muối vào nước, muối tan hết trong nước, vậy các con thử phán đoán xem đường có tan trong nước không?

– Cô hoà đường vào ly nước thì thấy điều gì?

– Bây giờ cô sẽ làm tiếp 1 thí nghiệm nữa, cô đổ bột vào cốc nước viền vàng, các con nếm thử xem có vị gì nào?

– Thế vì sao có vị ngọt nào?

– À đúng rồi, vì bột tan trong nước nên khi uống các con sẽ cảm nhận được vị ngọt của bột đấy.

– Bột tan trong nước rồi, thế cô đố các con sỏi có tan được trong nước không?

– Đúng rồi, nước có thể hòa tan được 1 số chất như đường, muối, bột và nhiều chất khác nữa, khi uống cho chúng ta cảm nhận nhiều vị các nhau.

– Nhưng nước cũng không thể làm tan được 1 số chất như cát, sỏi  đấy các con

– Qua 3 lần thí nghiệm con có nhận xét gì?

– Cô rút ra kết luận của các thí nghiệm : Nước có thể hoà tan được một số chất

* Nước ở các thể lỏng, thể rắn, thể khí.

+ Nước ở thể lỏng.

– Cô thấy các con rất giỏi cô muốn thử tài của chúng mình, bạn nào muốn lên đây cùng cô.

– Cô mời 2  bạn lên đây cùng cô.

– Bây giờ cô rót nước ra tay 2 bạn, con nắm vào cầm cẩn thận cho cô nhé.

– Con cầm được chưa?

– Các bạn ơi, vì sao 2 bạn không cầm được nước?

– Đúng rồi, nước là chất lỏng không có hình dạng cụ thể nên không thể cầm được, nắm được nên khi sử dụng chúng mình phải đựng vào  cốc, chậu, chai, bình…. Khi  nước đựng vào vật nào sẽ có hình dạng của vật đấy đó các con.

– Khi đó nước tồn tại ở thể lỏng các con ạ.

– Các con nhắc lại cùng cô “nước ở dạng thể lỏng”

+ Nước ở thể rắn.

– Cô đã chuẩn bị cho mỗi tổ 1 món quà, cô mời bạn đại diện lên lấy quà của tổ mình.

– Các con đã sẵn sàng mở quà chưa?

– Trong hộp quà có gì?

– Để biết xem viên đá có điều gì đặc biệt, cô sẽ cho chúng mình 1 phút các con hãy cùng nhau thảo luận.

– Thời gian đã hết, mời các con về vị trí!

– Các con vừa cùng nhau thảo luận về những viên đá, bạn nào có nhận xét gì?

– Đá được làm bằng gì?

– À đúng rồi, khi nước được bỏ vào tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 0 độ C, nước chuyển thành đá. Ở ngoài trời, một số nơi khi nhiệt độ xuống thấp dưới không độ c, mưa cũng trở thành tuyết và nước sẽ đóng thành băng đấy các con.

– Các con nhìn xem điều gì đã xảy ra với viên đá chúng mình vừa để?

– Vậy nước có thể đóng thành đá và đá có thể tan ra thành nước, các con thấy nước có kỳ diệu không?

– Vậy khi nước đóng thành đá, băng, tuyết khi đó, nước được tồn tại ở dạng thể rắn các con ạ.

– Các con nhắc lại cùng cô” nước ở dạng thể rắn”

+ Nước ở thể  khí

– Vừa rồi các con đã được khám phá sự kì diệu của nước ở dạng thể rắn. Bây giờ cô mời các con cùng quan sát khi nước được cô đun sôi ở nhiệt độ cao. Xem điều kì diệu gì xảy ra nhé.( Các con ạ , nước sôi rất là nguy hiểm vì vậy các con không được tùy tiện sử dụng nước sôi khi không có người lớn các con nhớ chưa nào)

– Con nào có nhận xét gì?

– Chúng mình cùng quan sát cô bỏ tấm kính nhỏ lên ly nước khi nước bốc hơi lên, bạn nào có nhận xét gì?

– Vì sao lại có nước?

– Khi nước ở nhiệt độ cao, sẽ bốc hơi  như 1 số bạn nói là khói nhưng không phải là khói mà là hơi nước các con ạ, khi ở nhiệt độ bình thường nước cũng sẽ bốc hơi nhưng chúng ta không nhìn thấy. Hơi nước bốc lên ngưng tụ lại đấy các con.

– Vì vậy nước còn được tồn tại ở dạng thể khí nữa đấy.

– Cả lớp nhắc lại cùng cô” nước ở dạng thể khí”

– Vậy nước tồn tại ở mấy dạng, bạn nào biết?

– Đúng rồi nước tồn tại ở 3 dạng: đó là thể lỏng, thể rắn và thể khí.

– Cho trẻ xem hình ảnh về các dạng thể lỏng, rắn, khí

– Nếu không có nước thì sẽ như thế nào?

– Nước rất quan trọng là một điều không thể thiếu vì vậy chúng mình phải biết tiết kiệm nước. khi rửa tay mở vòi nước vừa đủ, rửa xong tắt ngay, uống hết nước trong ly.

– Giáo dục : Các con cần phải ăn chin uống sôi. Không được uống nước lã sẽ không tốt cho sức khỏe

* Trò chơi 1: Đội nào nhanh nhất

– Cô thấy các con học rất giỏi, cô quyết định thưởng cho các con trò chơi: Thi xem đội nào nhanh

– Cô sẽ chia lớp mình thành 3 tổ.

– Cách chơi : Cô chia lớp mình thành 3 đội, cô đã chuẩn bị rất nhiều hình ảnh các dạng tồn tại của nước, nhiệm vụ của các con là lên tìm và gắn hình ảnh các dạng tồn tại của nước ở thể lỏng, rắn và khí theo yêu cầu của cô.

– Luật chơi: Mỗi lần lên các con chỉ được chọn 1 hình ảnh. Sau thời gian là 1 bản nhạc, đội nào tìm được nhiều hình ảnh và đúng yêu cầu của cô, đội đó dành chiến thắng.

– Đội số 1 sẽ tìm hình ảnh nước ở dạng thể lỏng, đội số 2 tìm hình ảnh nước ở dạng thể rắn, đội số 3 tìm hình ảnh nước ở dạng thể khí.( chơi lần 2 đổi)

– Cho trẻ chơi và nhận xét kết quả

* Trò chơi 2:Tạo bong bóng xà phòng

– Cô có mấy chén nước quanh lớp, cô lấy chai nước rửa chén nhỏ vào cho cả lớp chơi, chơi xong các con nhớ dùng khăn lau sàn.

  1. Hoạt động kết thúc

– Hôm nay các con được khám phá về gì? chúng mình thấy nước có kì diệu không?

– À nước thật là kỳ diệu, vì vậy chúng mình phải biết sử dụng tiết kiệm nước, phải biết giữ gìn môi trường và bảo vệ nguồn nước nhé các con.

 

Cảm nhận của Phụ huynh

Anh Võ Thành Hưng – Phụ huynh bé: Võ Gia Huy – Lớp nhỡ

ôi chưa từng thấy một ngôi trường mầm non nào có sân chơi rộng rãi – sạch sẽ – thoáng mát và nhiều trò chơi bổ ích như ngôi trường mầm non này ! Thật là bất ngờ thú vị , nó giống như một công viên thiếu nhi thực thụ ! Hàng ngày mỗi buổi sáng , tôi đều cùng bé Gia Huy chơi đùa dưới sân trước giờ học, bé rất thích thú và học hỏi được nhiều điều mới lạ. Và từ một đứa bé rụt rè nhút nhát, đến nay, sau hơn 4 tháng học tập vui chơi ở đây, bé đã được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần lên rất nhiều !