Website Trường Mầm Non Đại Minh – Đại Lộc – Quảng Nam

SỰ KỲ DIỆU CỦA KHÔNG KHÍ

CHỦ ĐỀ : HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN.
HOẠT ĐỘNG HỌC: KHÁM PHÁ KHOA HỌC
ĐỀ TÀI: SỰ KỲ DIỆU CỦA KHÔNG KHÍ

I.Mục đích – yêu cầu:
1.Kiến thức:
– Trẻ nhận biết được không khí có ở xung quanh mọi vật và mọi chỗ rỗng bên trong vật
– Trẻ nhận biết được không khí trong suốt, không màu, không mùi, không vị và không có hình dạng nhất định.
2. Kỹ năng:
– Trẻ trả lời các câu hỏi mạch lạc, phát triển vốn từ cho trẻ, phát triển ngôn ngữ cho trẻ
3. Thái độ:
– Trẻ tham gia trò chơi tích cực.
– Giáo dục trẻ muốn cho không khí trong lành không bị ô nhiễm thì phải bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi.
II.Chuẩn bị môi trường hoạt động:
1.Không gian tổ chức: Trong lớp
2. Đồ dùng phương tiện:
– Hai cốc nến, hai túi ni lông to
– Lọ nước hoa xịt phòng có mùi thơm.
– Bài giảng điện tử.
– Nhạc các bài hát: Điều kì diệu quanh em.
– Mỗi trẻ một túi bóng ni lông, 1 li giấy, đồ dùng trò chơi (bóng bay, túi nilông, chai nhựa…).
3. Phương pháp: Trực quan, đàm thoại, luyện tập.
III.Tiến trình tổ chức hoạt động:
Hoạt động 1: Ổn định lớp, gây hứng thú
– Cô và trẻ cùng hát và vận động theo bài hát “ Điều kì diệu quanh em”
– Thế giới quanh ta có rất nhiều điều kỳ diệu đấy các con.
– Cô làm ảo thuật: thổi bọt bong bóng, ly nhựa và giấy, bóng bay.
– Cô hỏi:
+ Các con thấy bọt bong bóng như thế nào? (Bay lên cao, bay lơ lững trên trời…)
+ Thế có ai biết vì sao bọt bong bóng bay được không?
+ Vì sao cô lại hút được giấy?
+ Sao quả bóng bay lại phình to ra?
– Bọt bong bóng bay được, cô hút được giấy, quả bóng phình to là nhờ có không khí đấy.
– Hôm nay cô sẽ cho các con tìm hiểu về không khí, khám phá những điều kì diệu của không khí nhé!.
Hoạt động 2: Nội dung trọng tâm
a. Tìm hiểu về đặc điểm của không khí: Nhẹ, không màu, không mùi, không vị, không có hình dạng nhất định.
– Trời tối – trời sáng
– Cô có cái gì đây các con? (Túi nilông)
– Bạn nào có nhận xét gì về túi nilông này? (nó xẹp, không phồng)
– Bây giờ các con hãy quan sát xem cô làm gì với cái túi nilông này nhé. ( cô khua túi và buộc miệng túi lại để lấy không khí)
– Giờ thì túi nilông này như thế nào? (Căng, phồng to). Vì sao nó lại phồng to thế? (túi nilông căng phồng vì nó có không khí ở phía trong đấy. Không khí có ở khắp mọi nơi ở phía trên, phía dưới phía trước, phía sau của chúng ta đấy. (Cô cho trẻ nhắc lại theo cô)
– Cô đâm thủng túi nilông và đưa sát tay trẻ, trẻ nhận xét.
– Các con cảm thấy tay mình thế nào? (mát)
khi cô đâm thủng túi nilông, không khí thoát được ra ngoài nên tay chúng ta rất mát đấy.
– Không khí có khắp mọi nơi, vậy chúng ta hãy cùng nhau bắt không khí đi các con. (Cho trẻ bắt không khí bằng tay).
– Chúng ta hãy từ từ mở tay ra xem không khí có hình gì nào? (không có gì hết)
– Vì sao tay chúng ta không có gì hết? Các con biết không, không khí không có hình dạng nhất định nên chúng ta không thể bắt nó, không thể cầm nắm được.
– Trẻ đọc đồng thanh: không khí không có hình dạng nhất định.
Chương trình ngày hôm nay sẽ dành tặng cho các con rất nhiều trò chơi thú vị, các con có muốn tham gia không nào.
– Mỗi bạn hãy lấy cho mình 1 cái túi nilông và cùng nhau đi quanh lớp để bắt không khí thôi.
(Cho trẻ tự bắt không khí và tự buộc túi lại)
– Mỗi bạn đã có 1 túi không khí rồi, thế ai cho cô biết không khí có màu gì? (không có màu)
chúng ta mở từ từ miệng túi ra và ngửi xem có mùi gì không? (không có mùi)
( cho 1 số trẻ nhắc lại: không khí không có màu, không có mùi)
– Cô cho trẻ nhắm mắt lại và cô xịt nước hoa. Cho trẻ mở mắt ra và hỏi trẻ có ngửi được mùi gì không?
– Không khí không có mùi nhưng nó chuyển động được và làm khuấch tán mùi đấy các con.
– Để biết xem không khí có vị gì cô mời các con cất túi nilông và lấy mỗi bạn 1 cái ly nào.
– Mỗi bạn hãy rót cho mình 1 ly không khí. Bây giờ chúng ta hãy uống không khí và nói xem không khí có vị gì? (không có vị)
Khái quát: Không khí có ở khắp mọi nơi, không khí không có màu, không có mùi, không có vị.
B. Ích lợi của không khí
* Không khí cần cho sự cháy
– Trốn cô! Trốn cô!
Cho trẻ xem thí nghiệm với cây nến: Các con thấy cây nến thế nào? (đang cháy). Điều gì sẽ xảy ra khi bình thủy tinh úp cây nến này lại?
– Vì sao ngọn nến lại tắt?
Khái quát: Ngọn lửa cháy được là nhờ có không khí. Khi ta bịt kín cây nến, không khí sẽ không vào trong được nên ngọn nến bị tắt. Nếu không có không khí ngọn lửa sẽ không cháy được con người sẽ không thể đun nấu được thức ăn. Vì vậy không khí rất cần cho sự cháy đấy. Và nó rất quan trọng đúng không nào!
* Không khí cần cho sự sống:
– Đọc bài vè không khí và làm theo yêu cầu của cô.
Tôi là không khí
Ở khắp mọi nơi
Tôi chẳng có mùi
Cũng không có vị
Tôi đây rất nhẹ
Và không có màu
Chẳng thiếu được đâu?
Tôi là không khí!
+ Bây giờ chúng ta hãy hít vào- thở ra thật đều nào? Chúng ta thấy thế nào? (thoải mái)
– Chương trình có 1 yêu cầu là: Các con hãy dùng tay bịt mũi và mím miệng lại trong 5 giây rồi bỏ tay ra.
+ Khi bịt mũi và mím miệng các con thấy như thế nào? (khó thở, mệt). Vì sao lại không thở được? (vì không có không khí).
– Không khí rất là quan trọng, nó quan trọng như thế nào? (Để thở). Đố các bạn nếu như con người không có không khí thì điều gì sẽ xảy ra? (Khó thở, có thể chết)
Khái quát: – Tuy chúng ta không nhìn thấy, không sờ được không khí nhưng không khí rất là quan trọng đối với con người, con vật và cây cối. Tất cả đều rất cần đến không khí.
C. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và cách bảo vệ bầu không khí trong lành.

– Các con biết không hiện nay bầu không khí của chúng ta đang dần dần bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau, bây giờ chúng ta hãy cùng xem đó là những nguyên nhân gì nhé!
– Cô mời các con cùng xem đoạn video nói về sự ô nhiễm và cách bảo vệ bầu không khí luôn được trong lành nhé.
– Khói xe, khói thuốc lá, bụi đất, bụi than, bụi khu khai thác; khói bụi nhà máy; hun đốt rác, rơm, khói than tổ ong; chặt phá rừng.
Cô khái quát: Không khí bị ô nhiễm là do khói thuốc lá, bụi đất, bụi than, khói bụi các nhà máy,… đấy.
* Giáo dục: Khi chúng mình vệ sinh môi trường sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi, trồng nhiều cây xanh thì sẽ có bầu không khí sạch, trong lành đấy! hôm nay chúng mình đã được tìm hiểu về sự kỳ diệu của không khí rồi. Bây giờ chúng mình cùng cô chơi trò chơi về không khí nhé.
D. Trò chơi với không khí
* Trò chơi 1: Thổi bóng về đích
Cách chơi: Cô đã chuẩn bị một chiếc bàn có đường dích dắc và bóng. Nhiệm vụ của các bạn sẽ vượt qua chướng ngại vật và chạy lên thổi không khí giúp cho quả bóng chuyển động về đích.
Luật chơi: Kết thúc một bản nhạc đội nào thổi được nhiều bóng về đích sẽ là đội chiến thắng.
* Trò chơi 2 :Thi xem đội nào nhanh
– Để chơi chơi trò chơi “ Thi xem đội nào nhạnh ” chúng mình cùng nghe cô phổ biến cách chơi và luật chơi nhé.
– Cách chơi: Cô chia lớp mình thành 2 đội. Cô đã chuẩn bị cho chúng mình 2 bảng rất là to và 1 rổ loto rất là nhiều hình ảnh nhiệm vụ của mỗi đội là chọn hình ảnh hành động có lợi cho không khí gắn lên biểu tượng mặt cười và hình ảnh gây hại cho không khí gắn lên mặt mếu.
– Luật chơi: Khi bản nhạc kết thúc đội nào tìm được nhiều hình đúng sẽ là đội chiến thắng.
– Cô bao quát trẻ trong thời gian trẻ chơi, kiểm tra kết quả, nhận xét và tuyên dương.
Hoạt động 3: Kết thúc
Hát và vận động theo bài hát “Khám phá thế giới tuyệt vời.”

Cảm nhận của Phụ huynh

Anh Võ Thành Hưng – Phụ huynh bé: Võ Gia Huy – Lớp nhỡ

ôi chưa từng thấy một ngôi trường mầm non nào có sân chơi rộng rãi – sạch sẽ – thoáng mát và nhiều trò chơi bổ ích như ngôi trường mầm non này ! Thật là bất ngờ thú vị , nó giống như một công viên thiếu nhi thực thụ ! Hàng ngày mỗi buổi sáng , tôi đều cùng bé Gia Huy chơi đùa dưới sân trước giờ học, bé rất thích thú và học hỏi được nhiều điều mới lạ. Và từ một đứa bé rụt rè nhút nhát, đến nay, sau hơn 4 tháng học tập vui chơi ở đây, bé đã được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần lên rất nhiều !