Website Trường Mầm Non Đại Minh – Đại Lộc – Quảng Nam

SSKN: Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

BÁO CÁO SÁNG KIẾN
1. Tên sáng kiến: Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.
2. Mô tả bản chất của sáng kiến:
2.1. Các bước và cách thực hiện giải pháp:
Như chúng ta đã biết, trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Việc bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ là trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của mỗi gia đình. Việc chăm sóc giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, nhằm hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ sau này. Bác Hồ nói “Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Sản phẩm của giáo dục là con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước trong tương lai đó chính là thế hệ trẻ.
Trong những năm gần đây, giáo dục luôn không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức dạy học cho trẻ. Đặc biệt giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là nội dung được rất nhiều người quan tâm và là nhiệm vụ quan trọng của cấp học mầm non. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em dưới 6 tuổi thì có nhiều kỹ năng quan trọng mà trẻ cần phải biết trước khi tập trung vào học văn hóa. Thực tế kết quả của nhiều nhà nghiên cứu đều cho thấy các kỹ năng quan trọng nhất trẻ phải học ở lứa tuổi mầm non chính là những kỹ năng sống như: Sự hợp tác, tự kiểm soát, tính tự tin, tự lập, tò mò, khả năng thấu hiểu và giao tiếp.
Thực tế với xã hội hiện nay có rất nhiều người, nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc dạy kỹ năng sống cho trẻ, phụ huynh luôn che chở, làm giúp trẻ mọi việc vì họ nghĩ con mình còn nhỏ chưa tự làm được những việc đó. Họ đâu biết rằng chính những suy nghĩ và việc làm của các bậc cha mẹ đã tước đi quyền tự do của con, không cho con được nói, không cho con được làm và đến khi quay đầu lại cha mẹ mới biết con mình quá thụ động, nhu nhược, quá nhút nhát, luôn chờ vào sự giúp đỡ của người lớn.
Từ những thực tế trên, là giáo viên mầm non phụ trách lớp mẫu giáo lớn 5-6 tuổi, tôi nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống đối với sự phát triển của trẻ, và tôi thiết nghĩ nếu chúng ta làm tốt việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ chính là giúp trẻ trở thành con người mới, năng động, sáng tạo. Giúp trẻ có được những kinh nghiệm trong cuộc sống, biết được những điều nên làm và không nên làm; Giúp trẻ tự tin, chủ động và biết cách ứng xử trong cuộc sống, khơi gợi khả năng tư duy sáng tạo của trẻ. Đặt nền tảng để trẻ trở thành người có trách nhiệm và có tự chủ trong cuộc sống của bản thân mình.
Chính vì vậy, bản thân tôi luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, nghiên cứu, thay đổi linh hoạt những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của trẻ tại lớp để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đạt hiệu quả hơn. Và những giải pháp mà tôi thực hiện tại lớp mình đang giảng dạy như sau:
* Giải pháp 1: Tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Để có thể thực hiện tốt: “Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong trường mầm non”. Trước hết giáo viên mầm non không chỉ nghiên cứu nắm vững mục đích yêu cầu của hoạt động mà giáo viên còn cần phải nắm chắc được các phương phương pháp và biện pháp thực hiện giúp trẻ lĩnh hội kiến thức một cách nhẹ nhàng, không bị gò bó, áp đặt giúp trẻ hiểu bài sâu và vận dụng những điều đã học vào thực tế hàng ngày của trẻ. Vì vây, để giúp trẻ lớp tôi có được những kỹ năng sống cơ bản đó thì sự nhiệt tình, sáng tạo và yêu nghề đòi hỏi tôi phải không ngừng đọc và nghiên cứu kỹ chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non 5-6 tuổi.

Một điều nữa, đó là để dạy trẻ được những kỹ năng sống thì việc đầu tiên cô giáo phải là tấm gương để trẻ soi vào để trẻ học làm người. Chính vì vậy không phương pháp nào hiệu quả bằng phương pháp “Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Những người dạy nội dung giá trị và kỹ năng sống càng cần là tấm gương mẫu mực về hành vi, lời ăn, tiếng nói, cách ứng sử, cách giải quyết vấn đề. Đây là các yêu cầu rất cao và đòi hỏi bản thân tôi luôn phải tự rèn luyện mình để công tác giáo dục trẻ hiệu quả hơn. Và tôi đưa ra những điều mà giáo viên nên và không nên trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đó là:
Không nói dài và nói nhiều.
Không đưa ra lời đáp có sẵn mà để trẻ tự tìm tòi
Không vội vàng phê phán đúng sai như một quan tòa nhưng kiên trì giúp trẻ tranh luận và kết luận.
* Giải pháp 2: Lồng ghép kỹ năng sống cho trẻ thông qua các chủ đề
Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ có thể tích hợp trong các mặt giáo dục, trong những hoạt động hằng ngày của trẻ. Tuỳ vào những chủ đề theo tuần, tháng, học kỳ mà tôi lựa chọn những kỹ năng sống phù hợp để hình thành cho trẻ. Cụ thể như sau:
* Kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thích nghi là hai kỹ năng mà tôi lựa chọn để tích hợp vào chủ đề “Trường mầm non”
+ Kỹ năng giao tiếp:
Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ là rất cần thiết, đòi hỏi cô giáo mầm non phải luôn gần gũi trẻ, hiểu trẻ, tạo mọi cơ hội để trẻ được nói thật thoải mái ở mọi nơi, vì chỉ khi nào trẻ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ lưu loát thì trẻ mới có cơ hội phát triển toàn diện.
Để khắc phục những hạn chế về giao tiếp cũng như giúp trẻ giao tiếp được tốt, tôi thường xuyên nói chuyện với từng trẻ để kích thích trẻ diễn đạt ý tưởng và cảm xúc. Muốn vậy, tôi luôn chú ý tới những yếu tố sau:
– Tạo môi trường giao tiếp và giúp cho trẻ có cảm giác thoải mái, có nhu cầu giao tiếp bằng lời. Trong tất cả mọi hoạt động của trẻ, tôi luôn dùng nhiều trò chơi, câu đố để kích thích trẻ tham gia, qua đó giúp trẻ giao tiếp được tự nhiên hơn.
– Ngôn ngữ là cái riêng của mỗi người và nó phát triển rất tự nhiên, do đó mà khi giao tiếp sẽ có lúc trẻ nói sai, chúng ta không nên la rầy quát mắng, vì như thế sẽ làm cho trẻ không tự tin, sợ nói. Muốn giúp trẻ sửa lỗi khi nói, tôi thường đóng vai để dạy trẻ như: Trò chơi bán hàng, trò chơi bác sỹ và trò chơi gia đình…Qua đó sẽ giúp trẻ nói theo mẫu của cô và của bạn.
Một kỹ năng nhỏ trong giao tiếp mà lớp tôi đang chủ nhiệm trẻ thể hiện rất hạn chế, đó là kỹ năng “văn hoá chào hỏi”. Thế nên, ngay từ đầu trẻ đến lớp tôi đã chủ ý nhắc nhở trẻ chào mẹ, chào cô, chào bạn. Ví dụ: Nếu trẻ quên hay hoặc không chủ động chào cô để vào lớp, hoặc chào cô, thì tôi sẽ nói: “Cô chào con, con chào tạm biệt mẹ đi nào!”, nhằm gây sự chú ý của trẻ đến việc chào hỏi lễ phép.
Để giúp trẻ thực hiện tốt kỹ năng này tôi thường làm theo các cách sau:
Cách 1: Dạy cho trẻ cách chào.
+ Chào ông bà – cần làm những gì?
+ Chào bố mẹ – chào ra sao?
+ Chào bạn chào như thế nào?
Cách 2: Trò chuyện và đặt ra những câu hỏi về những người trẻ thường gặp hằng ngày. (khi đi học về con gặp ai? Con gặp ở đâu? Con có chào Bác không? Con chào như thế nào)
Cách 3: Cho trẻ xem các hình ảnh trên máy, xem tranh ảnh, cho trẻ thấy tác dụng của việc chào hỏi (Làm quen, thể hiện sự kính trọng, người được chào vui vẻ và yêu quý trẻ, trẻ được mọi người khen ngợi, được tặng quà…).
Cách 4: Cho trẻ tập chào nhau ở lớp. Cho trẻ đóng vai người lớn, người già,… để các trẻ lần lượt vận dụng kỹ năng trên.
Từ đó tôi có thể uốn nắn những hành động chưa đúng, hoặc tổ chức khen ngợi những trẻ thực hiện tốt các kỹ năng, khuyến khích để trẻ khác noi theo.
+ Kỹ năng thích nghi:
Đây là một kỹ năng khá quan trọng mà tôi muốn hình thành cho trẻ ngay từ đầu năm học. Để trẻ có thể hoà nhập được, hoặc phản ứng lại với môi trường bên ngoài. Đó là “kỹ năng thích nghi”
Để giúp trẻ để thích nghi với môi trường không có hoạt động nào tốt hơn là hoạt động ngoài trời. Vì vậy tôi không bỏ lỡ cơ hội cho trẻ hoạt động ngoài trời hàng ngày. Được ra ngoài trời không chỉ là để cho trẻ khám phá môi trường tự nhiên, mà trẻ còn được hít thở không khí thiên nhiên, được tắm nắng được thực hiện các vận động chạy, leo trèo, chơi một cách tự nhiên trong sân trường. Trẻ có thể nghịch với cát, đất, điều đó giúp cho trẻ vừa thoả mãn được tính năng động, vừa nâng cao sức đề kháng. Trong quá trình trẻ chơi tôi luôn luôn giám sát để can thiệp khi có dấu hiệu của sự nguy hiểm, đối với sự vấp ngã nhẹ của trẻ tôi quan sát để cho trẻ tự đứng lên, điều đó sẽ giúp trẻ mạnh dạn và tự tin hơn.
– Thói quen biết xếp hàng. Đây là thói quen tốt, có văn hoá nơi công cộng.
– Thói quen biết bỏ rác vào thùng rác: Thùng rác bố trí hợp lý để trẻ bỏ rác và tôi thường xuyên quan sát, nhắc nhở trẻ bỏ đúng nơi quy định, qua đó hình thành cho trẻ thói quen tốt.
– Thói quen biết xin lỗi và cảm ơn: Để trẻ thực hiện tốt thói quen này, tôi thường làm gương cho trẻ noi theo, ở lớp bất cứ trường hợp nào và với bất cứ ai (trong đó có trẻ) nếu cần nói lời xin lỗi hay cảm ơn tôi thường thể hiện cho trẻ thấy. Qua đó, trẻ bắt chước theo và sẽ cảm nhận được một cách tự nhiên các cách ứng xử này.
Ngoài ra tôi cho trẻ đọc các bài thơ, câu chuyện như: Bài thơ “Cô dạy”, “Bé nhớ rửa tay”; câu chuyện: “Gấu con bị sâu răng”… Tôi giới thiệu về nội dung câu chuyện, bài thơ nhiều lần bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp trẻ hiểu được tác dụng của việc rửa tay, lau mặt, đánh răng… để trẻ thích thú và tự giác thực hiện.
* Trong chủ đề “Gia đình” tôi lồng ghép kỹ năng tự bảo vệ.
Khi mà xã hội ngày càng hiện đại thì chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, nhưng cũng kéo theo nhiều mặt trái. Do trẻ không cẩn thận và chưa được cung cấp những kỹ năng sống nên có nhiều nguy cơ nguy hiểm thường xảy ra với trẻ xảy ra như: bị bắt cóc, bị lạm dụng… Để trẻ tránh được những nguy cơ này, tôi m ạnh dạn dạy trẻ cách tự bảo vệ chính mình.Trước đây, qua những bài thơ câu chuyện, bài hát có nội dung giáo dục trẻ về kỹ năng sống khá nhiều và gần gũi. Thực tế hiện nay trong chương trình dạy trẻ 5- 6 tuổi không nhiều bài hát, bài thơ, câu chuyện có nội dung đó. Vì vậy trong năm học này tôi nghiên cứu và lựa chọn những tình huống thường xảy ra để dạy trẻ có kỹ năng ứng biến khi gặp tình huống khó khăn, giúp trẻ biết thoát hiểm.
Ví dụ: Vào các buổi hoạt động và sinh hoạt chiều trò chuyện với trẻ “Hôm qua con được đi chơi không? Con đi với ai? Có vui không?”. Sau đó tôi đưa ra tình huống: “Khi con bị lạc mẹ ở giữa đám đông, con sẽ làm gì?”, “Nếu bị ai bắt nạt thì con kêu cứu như thế nào?”
Tôi cho trẻ suy nghĩ, mỗi trẻ đưa ra một cách giải quyết riêng, tôi lắng nghe ý kiến của trẻ, gợi mở cho trẻ bằng các câu hỏi: “Theo con làm như vậy có được không? Tại sao?”. Sau đó tôi dạy cho trẻ: Khi bị lạc mẹ ở đám đông, con phải bình tĩnh, không khóc và đừng chạy lung tung mà hãy đứng yên tại chỗ chờ. Vì bố mẹ sẽ quay lại chỗ đó để đón con. Hoặc đến chỗ cô bán hàng gần nhờ gọi điện thoại. Tuyệt đối không theo người lạ dù người đó hứa sẽ đem về bố mẹ và cho nhiều quà. Vì có thể kẻ xấu sẽ lợi dụng cơ hội đó để bắt cóc hoặc làm hại con.
Trong các giờ hoạt động học “Phân biệt một số đồ dùng trong gia đình”, ngoài việc giáo dục trẻ biết tránh những đồ dùng nguy hiểm như bàn là, phích nước sôi, bếp đang đun, dao, rựa… Tôi còn dạy cho trẻ biết nguy cơ của việc cháy nổ là hiểm hoạ đối với tất cả mọi nhà, dạy trẻ biết các nguồn gây ra lửa: bếp ga, bật lửa, cồn, nến, dầu, xăng… Tôi nghĩ rằng cần dạy cho trẻ 5- 6 tuổi một số kỹ năng ứng biến nếu chẳng may có điều đó xảy ra. Tôi đưa ra tình huống: “Nếu con thấy có khói bốc lớn, hoặc cháy đâu đó con phải như thế nào?”. Qua tình huống này ngoài ý kiến của trẻ, tôi hướng dẫn trẻ tỷ mỉ, chậm rãi giúp trẻ khắc sâu hơn: Nếu các con thấy có khói hoặc cháy ở đâu, trước hết con phải chạy xa chỗ cháy. Hãy hét to để báo với mọi người. Nếu không có người ở nhà thì chạy báo cho người hàng xóm. Ngoài ra tôi còn cho trẻ đóng vai giả làm chú lính cứu hoả, từ đó trẻ sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho mình.
Với nhiều tình huống mà trong cuộc sống thường xảy ra với trẻ, tôi đưa ra cho trẻ thảo luận, yêu cầu trẻ suy nghĩ, vận dụng vốn hiểu biết của mình đã có để tìm cách giải quyết vấn đề. Thông qua đó tôi giúp trẻ tìm ra phương án tối ưu nhất, đó cũng chính là kinh nghiệm mà tôi cần dạy trẻ. Thông qua hoạt động giúp trẻ có sự tư duy lôgic, biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình và giúo trẻ có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống.
* Với chủ đề “Thế giới động vật”, “Thế giới thực vật”, “Các hiện tượng tự nhiên”, tôi hình thành cho trẻ kỹ năng khám phá thế giới xung quanh.
Trong thực tế, khi tổ chức cho trẻ khám phá thế giới xung quanh, giáo viên chỉ chú trọng việc cho trẻ tìm hiểu khám phá những kiến thức về thế giới xung quanh chứ chưa biết rèn kỹ năng sống cho trẻ thông qua hoạt động này. Vì vậy kỹ năng sống của trẻ 5- 6 tuổi còn nhiều hạn chế, trẻ chưa thể hiện sự tự tin, chưa có nề nếp thói quen tốt trong sinh hoạt cũng như trong mọi hành vi.
Chính vì vậy để khơi dậy và khích thích khả năng tự khám phá, tính tòi mò, sự ham hiểu biết của trẻ, tạo ra nhiều cơ hội để trẻ hoạt động, tôi yêu cầu trẻ quan sát các loại cây ở trường, các con vật nuôi ở nhà, sưu tầm tranh ảnh về các loại thực vật, động vật mang đến lớp. Khi tổ chức hoạt động học tôi cho trẻ nói về những gì mà trẻ quan sát, tìm hiểu được, cho trẻ cùng nhau trao đổi, thảo luận về các bức tranh trẻ sưu tầm.Tôi đưa ra một số câu hỏi: “Vì sao mọi người phải tưới nước cho cây?” Hoặc “Vì sao các con vật đó không sống được ?”… Sau đó tôi củng cố và khái quát lại.
Phát triển kỹ năng khám phá không gian: Tôi cùng trẻ sưu tầm tranh, ảnh trang trí lớp học theo góc, theo chủ đề, luôn tạo không gian mới lạ, hấp dẫn để lôi cuốn trẻ.
Ví dụ: Buổi sáng hoạt động “Phân biệt các loại rau”, buổi chiều tôi cho trẻ dùng đất sét có những gam màu cơ bản cho trẻ tạo hình các loại rau, củ, quả, các con vật gần gũi với trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó dần dần phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ về các sự vật, đồ vật và những gì trong cuộc sống xung quanh trẻ.
Khám phá thiên nhiên ở trẻ 5- 6 tuổi là một hoạt động bổ ích và có nhiều niềm vui, giúp trẻ hoà mình vào cuộc sống thiên nhiên, qua đó nó tác động tích cực đến tâm lý, thần kinh và tạo nên môi trường lành mạnh trong nhận thức của trẻ…..
* Giải pháp 3: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua giải quyết tình huống, ứng phó.
Khi chơi với bạn, khi hoạt động nhóm có thể xảy ra rất nhiều tình huống tích cực và tiêu cực khác nhau, nên trao đổi ý tưởng, giải quyết các xung đột. Đây là một trong những kỹ năng giúp trẻ kiểm soát hành vi, ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra và tư duy tích cực giải quyết nhanh vấn đề. Thay bằng việc cô giáo hay người lớn giúp trẻ giải quyết nhanh vấn đề xảy ra giữa trẻ như ta vẫn thường làm thì hãy để tự trẻ giải quyết khi xung đột xảy ra. Đây là cơ hội trẻ biết kìm chế bản thân, tích cực tư duy.
Những tình huống xảy ra khi trẻ chơi, hay khi thảo luận, tôi không giải quyết giúp trẻ mà để trẻ tự giải quyết, tự tìm cách hòa giải với bạn.
Ví dụ: Trong giờ hoạt động vui chơi, cả lớp đang chơi rất vui vẻ, bỗng dưng có 2 bạn trai tranh giành nhau một chiếc xe đẩy gạch ở góc xây dựng không ai chịu nhường ai. Để ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra, tôi tới bên 2 bạn hỏi vì sao các con lại tranh giành nhau, sau đó khuyên 2 bạn rằng “chúng mình chơi với nhau thì phải biết nhường nhịn nhau, chia sẽ với nhau, thế mới là người bạn tốt các con ạ”, rồi sau đó tôi để 2 bạn tự làm hòa với nhau và chơi cùng nhau.
Ngoài ra, để việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ có hiệu quả, tôi lựa chọn những tình huống cụ thể để dạy trẻ có kỹ năng giải quyết khi gặp tình huống khó khăn và biết cách giải quyết phù hợp.
* Giải pháp 4: Tuyên truyền, phối kết hợp với phụ huynh:
Đây là hình thức thường làm nhưng lại đạt hiệu quả rất cao trong các hoạt động. Việc giáo viên tích cực giao lưu, trao đổi với phụ huynh qua giờ đón trả trẻ và thông qua hội nhóm zalo, messenger giúp giáo viên dễ dàng nắm bắt tình hình của trẻ, hiểu được tính cách, hoàn cảnh sống của trẻ từ đó đề ra các biện pháp phù hợp cũng như cách tác động, phối hợp với phụ huynh trong việc rèn luyện trẻ đúng phương pháp.
Nhận thức được tầm quan trọng của biện pháp này, tôi thường trao đổi, tuyên truyền phụ huynh thông qua hội nhóm của lớp để phụ huynh hiểu những việc nên và không nên đối với trẻ để giúp trẻ có kỹ năng sống tốt, trẻ có kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự tin trong cuộc sống. Trẻ luôn bắt chước người lớn và cha mẹ trẻ là những người lớn gần gũi trẻ nhất. Vì vậy các bậc làm cha làm mẹ đừng vô tình bỏ qua những cơ hội đơn giản và thuận lợi hàng ngày để hướng dẫn con những thói quen tốt để rồi sau đó lại bắt trẻ mất thời gian học lại những điều này ở một nơi khác với những người xa lạ. Cha mẹ trẻ hãy chú ý giúp trẻ hình thành những kỹ năng sống tốt như kỹ năng giao tiếp xã hội để tự khám phá, đánh giá bản thânmình và người khác.
Một phần hạn chế mang lại là từ phía gia đình, gia đình quá chiều chuộng con, cha mẹ không để con làm bất cứ một việc gì ngay cả từ việc đơn giản nhất như việc gấp chăn màn, mặc quần áo,.. từ đó hình thành cho trẻ thói quen ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ. Các kĩ năng xã hội đơn giản trẻ cũng không biết, không được trải nghiệm thì trẻ mất dần đi tính tự lập, tính tự chịu trách nhiệm ề việc mình đã làm, hình thành một thói quen xấu từ nhỏ.
Ngoài ra, bản thân là một giáo viên đôi lúc tôi cũng chưa biết tạo tình huống cho trẻ giải quyết, hạn chế sáng tạo trong các tiết dạy trong khi đó suwk ham học hỏi, ham hiểu biết, sự tò mò của trẻ ngày càng tăng cao.
2.3. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm của giải pháp đã biết:
Qua những thuận lợi cũng như một số hạn chế đặt ra, chúng ta thấy được việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ vào giảng dạy chưa bao giờ là đủ. Để đạt được những thành công của đề tài cần phải xác định được hướng đi cũng như mục tiêu của đè tài hướng tới và giải quyết những khó khăn, hạn chế nhằm phát huy tối đa những thuận lợi của nó.
Trước thực trạng này, với khả năng và kinh nghiệm công tác của bản thân tôi đã học hỏi, nghiên cứu tìm ra những giải pháp, biện pháp thiết thực để tổ chức giáo dục kĩ năng sống cho trẻ trong các hoạt động học tập và vui chơi…mag lại kết quả tốt hơn linh hoạt hơn, trẻ trải nghiệm thực tế nhiều hơn, trẻ đúc kết được nhiều hơn từ những buổi học cùng cô tại trường mang lại hiệu quả tích cực như:
– Tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ
– Giúp trẻ phát triển các kĩ năng sống thông qua các hoạt động vui chơi, học tập
– Sử dụng các tình huống cho trẻ giải quyết: Khi chơi với bạn, khi chơi hoạt động nhóm có thể xảy ra nhiều tình huống tích cực và tiêu cực khác nhau. Đây là một trong những kĩ năng giúp trẻ kiểm soát hành vi, ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra và tư duy tích cực giải quyết nhanh vấn đề. Đồng thời, tôi đưa ra các tình huống lồng ghép vào các hoạt động trong ngày để trẻ tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn nhất có sự quan sát của cô giáo. Đây là cơ hội tốt nhất để trẻ tích cực tư duy và kiểm soát bản thân.
– Tuyên truyền, phối kết hợp với phụ huynh: Bên cạnh dạy trẻ các kĩ năng ở lớp, tôi thường xuyên chú trọng đến việc phối kết hợp với phụ huynh thông qua hội nhóm của lớp để cùng dạy kĩ năng sống cho trẻ. Tuyên truyền cho phụ huynh hiểu không nên làm hộ con, phải dạy tính tự lập từ bé. Trẻ càng được hướng dẫn sớm về cách tự vệ, những mối nguy hiểm từ xung quanh và cách xử lý thì sẽ vững àng vượt qua những thử thách trong mọi tình huống.
2.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến:
* Thực hiện ở tại lớp:
– Sáng kiến của bản thân tôi đã áp dụng thành công tại lớp, đến nay tôi nhận thấy kết quả rất khả quan điều đó chứng tỏ việc áp dụng các biện pháp của đề tài đã đạt hiệu quả nhất định.
– Trẻ có các kĩ năng nhất định và thực hiện tốt các kĩ năng đó.
– Có khả năng áp dụng tại các lớp mẫu giáo trong trường.
2.5. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả và theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (nếu có):
2.5.1. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
Sau thời gian áp dụng các biện pháp trên cho đến nay, kết quả có nhiều chuyển biến rõ rệt hơn.
* Về phía trẻ:
– Sau khi tiến hành những biện pháp trên tôi thấy trẻ đã có kỹ năng sống cần thiết phù hợp với độ tuổi. Trẻ tham gia vào các hoạt động một cách tự tin mạnh dạn giúp cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục củacô giáo đạt kết quả tốt.
– Trẻ lớp tôi có sự chuyển biến rõ nét về việc hình thành các kỹ năng sống: giao tiếp, hợp tác làm việc theo nhóm, thể hiện tinhthần đồng đội, biết chia sẻ, cư xử với nhau một cách thân thiện, biết giảiquyết vấn đề, giải quyết xung đột,…Và phát triển những phẩm chất tốt đẹp như: tính kiên trì, tính trung thực, biết nhường nhịn, biết cư xử đẹp khi thắng thua. Trẻ tự tin tham gia vào các hoạt động của trường lớp. Điều này chứng minh rằng việc vui chơi bằng các trò chơi, các hoạt động cho trẻ thực hành trải nghiệm cùng với các phương thức sử dụng đa dạng, linh hoạt đã giúp trẻ tiếp nhận kỹ năng sống một cách hiệu quả. Trẻ đã biết chuyển hóa từ hoạt động thành ý thức, từ ý thức thành kỹ năng. Và những kỹ năng sống đó sẽ phát triển bền vững và theo trẻ đến suốt cuộc đời.
* Về phía giáo viên:
Tôi nắm vững các nội dung giáo dục kĩ năng sống cho trẻ, tôi có kĩ năng sư phạm, biết cách truyền đạt kỹ năng sống tới trẻ một cách linh hoạt, sáng tạo.
* Về phía phụ huynh:
– Phụ huynh hưởng ứng, thường xuyên trao đổi và cùng phối kết hợp với giáoviên để cùng rèn kỹ năng sống cho trẻ và rất tin tưởng cô giáo bởi họ tự nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của con mình.
– Một số phụ huynh trước đây chưa quan tâm đến việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ ở trường cũng như ở nhà, nay đã nhận thức được vấn đề, họ đã rất nhiệt tình phối hợp với giáo viên và nhà trường trong việc chăm sóc – giáo dục trẻ nói chung và giáo dục kĩ năng sống nói riêng.
2.5.2. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử:
Sáng kiến được áp dụng rộng rãi tại tất cả các lớp 5-6 tuổi và mở rộng ở các độ tuổi khác ở trường MN Đại Minh và đã đem lại kết quả cao.
3. Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): Không
4. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:
– Để thực hiện tốt các giải pháp trên cần phải có các điều kiện sau:
+ Giáo dục kĩ năng sống cho trẻ cần phải giáo dục thường xuyên.
+ Giáo viên cần phải đánh giá đúng thực tế khả năng của trẻ, phải tin tưởng vào trẻ; tạo cho trẻ điều kiện tham gia xử lý tình huống vào hoạt động hàng ngày.
+ Giáo viên cần phải theo dõi thường xuyên, đánh giá được mức độ khả năng, kĩ năng của trẻ, nhận ra những trẻ còn hạn chế ở kĩ năng nào và có biện pháp giáo dục chủ động giúp đỡ trẻ khắc phục những kĩ năng còn hạn chế.
+ Đầu tư các tài liệu tham khảo và tìm tòi sáng tạo các hình thức, biện pháp, nội dung mới trong việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ, để tạo hứng thú, sự tư duy, để trẻ tích cực tham gia các hoạt động rèn kĩ năng sống hàng ngày.
+ Cần sự phối kết hợp giữa giáo dục gia đình và trường lớp và cần đặt lên vị trí hàng đầu.

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.